Giới thiệu cây tràm trà
10:30 - 07/06/2019
Cây Tràm trà (Melaleuca alternifolia Maiden & E. Betche ex Cheel) chủ yếu được trồng để sản xuất tinh dầu giàu terpinen-4-ol, trước năm 2006 được coi là loài cây thuộc nhóm bí mật quốc gia của Australia.
Hiện nay 97% tinh dầu thương phẩm của nước này được sản xuất từ các khu trồng Tràm trà ở vùng ven biển phía bắc New South Wales và Atherton của Queensland. Australia cũng là nước có lịch sử sản xuất tinh dầu tràm trà hơn 60 năm, có nhiều công trình nghiên cứu về cải thiện giống cho loài cây này. Ngoài ra, Tràm trà cũng là loài có thể sản xuất tinh dầu giàu 1,8-cineole, một số cây thậm chí có tỷ lệ 1,8-cineole cao hơn 75% (Lê Đình Khả và cs., 2011)
Tinh dầu tràm trà (tea tree oil) được chia thành 3 nhóm là: Nhóm 1 có 1,8-cineole thấp (3%) và terpinen-4-ol cao (45,4%), nhóm 2 có 1,8-cineole trung bình (30,3%) và terpinen-4-ol trung bình (18%), nhóm 3 có 1,8-cineole cao (64,1%) và terpinen-4-ol thấp (1,7%) (Wiliams and Home, 1989).
Tinh dầu tràm trà
Một số tác dụng sinh học tinh dầu Tràm trà (giàu terpinen-4-ol) là:
- Tác dụng kháng khuẩn và kháng nấm
Tác dụng kháng khuẩn là tác dụng đáng chú ý nhất của tinh dầu tràm trà. Một số thành phần hóa học trong tinh dầu như linalool, terpinen-4-ol, α-terpineol, α-terpinene, terpinolene và 1,8-cineole cũng có tác dụng ức chế sự phát triển của nhiều vi sinh vật như Candida albicans, Escherichia coli và Staphylococcus aureus (MIC 0,06-0,50%) (Carson et al. 1995).
Tinh dầu tràm trà được chứng minh là có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của nấm và ức chế quá trình hình thành bào tử. Theo đó tinh dầu tràm trà có tác dụng kháng Candida albicans, các men, nấm trên da.
Do có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm mạnh và không hại da nên tinh dầu Tràm trà được sử dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống như nước súc miệng, mỹ phẩm bôi da, nước hoa, dầu gội đầu, xà phòng thơm, kem đánh răng, v.v. (Brophy et al, 2013). Ngoài ra, tinh dầu tràm trà sử dụng trực tiếp để trị mụn cóc, nám da do nấm, v.v.
- Tác dụng kháng virus và chống viêm
Tinh dầu tràm trà có khả năng chống lại virus khảm thuốc lá, virus Herpes simplex (HSV). Ảnh hưởng của tinh dầu tràm trên HSV đã được Schnitzler và cs. (2001) nghiên cứu bằng cách ủ virus với các nồng độ tinh dầu khác nhau và dùng các virus đã được xử lý này để gây nhiễm tế bào. Ngoài ra, tinh dầu tràm trà cũng thể hiện có hoạt tính kháng virus mạnh nhất trên virus tự do, ức chế hoàn toàn sự hình thành mảng bám với 1% tinh dầu và làm giảm hình thành mảng bám khoảng 10% với 0,1% tinh dầu (Minami et al. 2003).
- Tác dụng chữa trị một số bệnh ngoài da
Tinh dầu tràm trà là loại thuốc chữa các bệnh ngoài da thông thường rất có hiệu quả (hình 1.1) như mụn trứng cá, mụn nhọt, eczema; nhiễm trùng da như mụn rộp, vết thương, mụn cóc, bỏng, côn trùng cắn và bệnh nấm móng tay, bệnh nấm da bàn chân, mồ hôi chân, nhọt, nấm onychia (onychomycosis) (Carson et al., 1994; Tong et al. 1992).
Tác dụng sinh học của tinh dầu tràm trà rất đa dạng, ngoài việc sử dụng như một loại dược liệu đa tác dụng, một số tinh dầu tràm còn chứa các chất thơm như nerolidol, linalool, v.v., nên tinh dầu tràm còn được dùng như một thành phần của nhiều loại mỹ phẩm và dầu tắm, dầu gội đầu, v.v, là loại tinh dầu có ứng ựng nhiều nhất trên thế giới.
Cách sử dụng tinh dầu tràm trà trong cuộc sống:
- Khi bị côn trùng, kiến ba khoang, giời leo cắn: xức lên vết cắn 1-2 giọt tinh dầu xoan đều nhẹ. Dùng 4 lần/ngày.
- Đề phòng muỗi, côn trùng đốt, nhỏ 1 giọt tinh dầu xoa đều.
- Thay đổi thời tiết: nhỏ 2 – 3 giọt tinh dầu ra tay xoa đều lên mũi, thái dương, gan bàn chân để đề phòng cảm mạo, ho gió, đau bụng.
- Pha 2 giọt tinh dầu vào 200ml nước ấm, dung súc miệng tránh hôi miệng, viêm lợi.
- Nhỏ 3-4 giọt vào chậu nước tắm thư giãn. Đặc biệt sử dụng được cho trẻ sơ sinh.
- Sử dụng thay nước lau nhà bằng cách nhỏ 5 giọt tinh dầu vào chậu nước. Bạn sẽ có một ngôi nhà hương thơm dịu mát.