Giới Thiệu Về Bạch Đàn Chanh
14:08 - 30/05/2022
Bạch đàn chanh hay còn có tên gọi khác là Bạch đàn sả, có tên khoa học là Eucalyptus citriodora Hook.f., thuộc chi Bạch đàn (Eucalyptus), họ Sim (Myrtaceae). Chi Bạch đàn có khoảng 700 loài khác nhau, đa số loài trong chi là đặc hữu của Australia.
- Nguồn gốc, xuất xứ Bạch đàn chanh:
Bạch đàn chanh (Eucalyptus citriodora Hook.f.) dẫn giống bằng hạt về Miền Nam - Việt Nam từ thập niên 1950. Trước năm 1970 Việt Nam đã từng nhập trên 50 loài Bạch đàn vào khảo nghiệm. Từ những năm 1980 trở lại đây, đã có khoảng 200 xuất xứ của nhiều loài bạch đàn đã được các Dự án và các tổ chức quốc tế (UNDP, FAO, PAM, SIDA, SAREC, CSIRO...) cung cấp cho các khảo nghiệm và trồng rừng, trong đó có cả loài Bạch đàn chanh (Eucalyptus citriodora Hook.f.). Mục đích ban đầu của các khảo nghiệm để chọn các xuất xứ và các giống có khả năng sinh trưởng nhanh, năng suất gỗ cao phục vụ cho mục đích trồng rừng cung cấp gỗ nguyên liệu giấy sợi. Vì Bạch đàn chanh là cây sinh trưởng chậm hơn, cành nhánh nhiều nên các khảo nghiệm chọn giống lấy gỗvới cây Bạch đàn chanh không phù hợp, nên ít được sử dụng trong trồng rừng lấy gỗ ở các năm sau này.
- Công nghệ chưng cất tinh dầu, thành phần và công dụng của tinh dầu Bạch đàn chanh:
Công nghệ chưng cất tinh dầu Bạch đàn chanh chủ yếu là sử dụng phương pháp lôi cuốn hơi nước. Bạch đàn chanh thuộc loại cây gỗ nhỡ đến lớn, nhưng sinh trưởng chậm, trong các bộ phận của cây đều có tinh dầu, nhưng hàm lượng tinh dầu cao nhất ở lá và cành non (chứa 0,5 – 2% tinh dầu). Tinh dầu Bạch đàn chanh chứa citronellal 60- 65%; citronelol 15- 20%, alcol bậc I quy ra geraniol 11- 14%, geranial và các thành phần khác 2%. Tinh dầu Bạch đàn chanh được dùng để chữa ho, giúp tiêu hóa, ngoài ra còn dùng để chữa cảm sốt. Đặc biệt thời kỳ chiến tranh chỗng Mỹ, khoa Tai – Mũi – Họng bệnh viện Bạch Mai đã sử dụng tinh dầu bạch đàn để chữa ho, viêm họng, sát khuẩn đường hô hấp. Tinh dầu còn được dùng trong kỹ nghệ hương liệu để sản xuất nước hoa và các loại chất thơm khác, có thể thay thế tinh dầu sả (Hoàng Thanh Hương và cộng sự, 2006). Công trình nghiên cứu của Nguyễn Xuân Dũng và cộng sự (1995), đã xác định được khoảng 30 hợp chất trong tổng số khoảng 40 hợp chất có trong tinh dầu Bạch đàn chanh (Eucalyptis citriodora), hàm lượng trong tinh dầu lá tươi từ 1,8 – 2%; tỷ trọng 0,87235. Hàm lượng các chất trong tinh dầu gồm: citronella (72,53%), isopulegol (12,5%), citronellol (5,61%), neo – isopulegol (1,63%), caryophyllen (1,16%), 1,8-cineole (0,6350%). Theo Lã Đình Mỡi (2002), chất citronella được coi là thành phần chủ yếu trong tinh dầu Bạch đàn chanh. Song Bạch đàn chanh không chỉ đa dạng về hình thái mà còn đa dạng về hoạt động sinh tổng hợp và tích lũy tinh dầu. Hàm lượng citronella biến động rất rộng (1-91%). Căn cứ vào thành phần hóa học chính trong tinh dầu người ta cho rằng ở Australia loài Bạch đàn chanh có thể gồm bốn dạng hóa học: 1/ Bạch đàn chanh có tinh dầu chứa chủ yếu là citronellal (65-91%), gọi là loại citronellal; 2/ Bạch đàn chanh có tinh dầu chứa khoảng 50% citronellol và 1-14% citronellal, gọi là loại chứa citronellol và citronellal; 3/ Bạch đàn chanh có tinh dầu chứa từ 20-50% citronella và guaiol, gọi là loại citronellal và guaiol; 4/ Bạch đàn chanh chứa các hydrocacbon là thành phần chủ yếu của tinh dầu, gọi là loại hydrocacbon.